Đàn guitar acoustic hay thường gọi là guitar thùng là nhạc cụ được nhiều người chơi yêu thích bởi âm thanh mộc mạc, tự nhiên, sống động mà cây đàn này mang tới. Âm thanh của đàn được tạo ra từ những xung động âm cộng hưởng từ dây đàn tới thùng đàn bỏi vậy mà hình dáng của thùng đàn ảnh hưởng không ít tới chất âm của một cây đàn.
Nếu bạn đã từng tới những cửa hàng nhạc cụ thì sẽ quan sát thấy những cây đàn guitar được chế tạo với nhiều kiểu dáng khác nhau, trong đó được chia thành hai kiểu đàn thùng tròn, không khuyết và những cây đàn được thiết kế với vết khuyết bên trên thùng đàn. Một người chơi khi lựa chọn đàn guitar phù hợp cho mình thường đặt ra nhiều câu hỏi như: “Vết khuyết trên đàn ảnh hưởng tới âm thanh như thế nào?”, “Vết khuyết có làm giảm đi âm lượng của cây đàn hay không?”. Hãy để chúng tôi giúp bạn làm rõ hơn về những băn khoăn này.
Điều gì làm nên chất âm của đàn?
Trước hết bạn cần phải hiểu rằng có rất nhiều yếu tố quyết định tiếng đàn. Trong đó những yếu tố chính ngoài kỹ thuật của người chơi phải kể đến chất liệu gỗ làm đàn, hình dáng, kích thước tổng thể của cây đàn. Ngoài ra còn một vài yếu tố thứ yếu khác như cấu trúc xương đàn, chất liệu làm cần đàn, ngựa và lược đàn, dây đàn…Như bạn có thể thấy là có rất nhiều yếu tố phức tạp kết hợp với nhau để hình thành nên âm thanh của cây đàn.
Hình dáng đàn cũng nằm trong danh sách kể trên do đó tất nhiên là nó cũng có sự ảnh hưởng tới âm thanh cây đàn của bạn. Theo nguyên tắc vật lý đơn giản thì không gian lớn hơn chắc chắn sẽ cho ra âm vang dội lớn hơn. Nói cụ thể, nếu hai cây đàn được sản xuất bằng các chất liệu và dáng giống hệt nhau nhưng chỉ khác phần khuyết thì một cây đàn không khuyết sẽ cho âm thanh chi tiết hơn chút xíu trong khoảng âm ở quãng thấp. Tuy nhiên để có thể nghe được sụ khác nhau rõ rệt giữa hai cây đàn này chắc chắn không hề dễ dàng. Bởi nếu so với sự khác biệt mà các yếu tố kể trên ảnh hưởng tới âm thanh đàn thì sẽ rõ ràng hơn so với sức ảnh hưởng của các vết khuyết.
Phần khuyết của đàn có mức độ ảnh hưởng thế nào tới tiếng đàn?
Chúng ta khẳng định rằng vết khuyết trên đàn sẽ có ảnh hưởng tới âm thanh của cây đàn đó. Tuy nhiên để xác định được mức độ ảnh hưởng này có nhiều hay không thì bạn cần phải chơi thử trên cả hai dáng đàn này. Để thử được chất âm của hai dáng đàn này, bạn hãy giữ cây đàn guitar qua phần cần đàn, sau đó gõ nhẹ vào mặt trên của thùng đàn phần mặt bass sát với vết khuyết, bạn sẽ nghe thấy âm cộng hưởng rất nhỏ, phân rã nhanh và nhỏ. Sau đó bạn sẽ di chuyển xuống mặt sau dưới cùng của đàn và gõ nhẹ; lúc này âm thanh bạn nghe được sẽ có âm lượng lớn hơn với mức độ cộng hưởng mạnh mẽ, duy trì lâu hơn.
Điều này cho chúng ta thấy rằng, phần trên cùng của thùng đàn nơi tiếp xúc với cần đàn hay chính là nơi vết khuyết được tạo ra trên đàn; là nơi mà sự cộng hưởng âm thanh thấp nhất và tiếng vang cũng là ít nhất. Thay vào đó dáng đàn tổng thể của cây đàn, phần eo đàn rộng hay thắt chặt, hông đàn có mở rộng hay không mới là yếu tố chính ảnh hưởng mạnh tới chất âm của cây đàn đó.
Vậy nên chọn đàn khuyết hay không khuyết?
Để giúp các bạn có thể dễ dàng hơn trong việc đưa ra lựa chọn đàn dáng khuyết hay không, chúng tôi xin đưa ra một vài gợi ý cho bạn.
Thứ nhất, sở thích về thẩm mỹ của bạn với một cây đàn guitar là theo kiểu đàn tròn truyền thống hay bạn thích một cây đàn khuyết hiện đại, cá tính hơn.
Thứ hai, phong cách chơi nhạc của bạn cũng sẽ có tính quyết định tới lựa chọn dáng đàn. Nếu bạn thường xuyên chơi những bài nhạc đòi hỏi phải bấm hợp âm ở những ngăn phím quãng thấp nằm trên thùng đàn thì chắc chắn đàn dáng khuyết sẽ là lựa chọn phù hợp cho bạn. Còn nếu như bạn chỉ thường chơi với những ngăn phím nằm quãng trên thì bạn hoàn toàn có thể chọn đàn dáng tròn.
Điều quan trọng nhất!
Như bạn có thể thấy rằng mỗi một dáng đàn, mỗi cây đàn guitar sẽ đều đem đến cho bạn một màu sắc âm nhạc riêng. Điều quan trọng ở đây chính là bạn đừng quá để ý những chi tiết nhỏ hay những khái niệm lý thuyết trên cây đàn. Hãy tin tưởng vào cảm xúc của bạn khi chơi trên từng dáng đàn khác nhau, và bạn sẽ tìm được cây đàn “tri kỷ” có cùng tiếng nói với mình.
Comentarios