Chúng ta thường thấy rất nhiều những chuyên gia âm nhạc nhận định trên các phương tiện truyền thông rằng âm nhạc dành cho thiếu nhi hiện nay đang rất thiếu thốn. Và từ nhận định này đã có khá nhiều những trại sáng tác dành riêng cho lĩnh vực này được đầu tư, tổ chức.
Công chúng vẫn đang chờ dòng nước lành tưới mát con suối âm nhạc cho thiếu nhi từ những chương trình đó. Nhưng trong khi chờ đợi, chúng ta cùng nhìn lại, có đúng là nhạc thiếu nhi đang rất nghèo hay không?
Chúng tôi mời độc giả cùng đọc lại bài viết rất hay của tác giả Nguyễn Mạnh Hà đăng trên báo Tiền Phong.
Tại Giọng hát Việt Nhí 2017, nghe thí sinh Thanh Ngân hát bài Chiếc bụng đói, HLV Tiên Cookie đã không kìm được xúc động. Tiên nói đại ý không đi tìm tiền tài danh vọng trong nghề nghiệp mà tìm chính giây phút này khi sáng tác của mình được một em nhỏ say sưa thể hiện. Đây là một trong những tác phẩm mới hiếm hoi xuất hiện trong các cuộc thi hát cho thiếu nhi, sau khi dư luận không đồng tình với việc ép các cháu hát bài người lớn.
Nhưng có vẻ như không nhiều nhạc sĩ viết cho thiếu nhi có cơ hội nhìn thấy tác phẩm nóng hổi của mình được dàn dựng hoành tráng trên sân khấu lớn, truyền hình trực tiếp toàn quốc như vậy. Nên người viết cho thiếu nhi chưa nhiều. Thời trước, nhiều nhạc sĩ có tên tuổi nhờ chuyên viết cho thiếu nhi nhưng ngày nay thì không. Trong khi thị trường âm nhạc cho người lớn phát triển vượt bậc thì thị trường âm nhạc cho thiếu nhi vẫn chưa hình thành. Dẫn đến việc trẻ con nghe và hát nhạc người lớn một cách không chính thức là bình thường.
TRẺ CON VIỆT ÐANG HÁT GÌ?
Tháng 3/2015, trên mạng lan truyền clip cho thấy các bé tiểu học ở Hà Nội mặc đồng phục ngồi sân trường say sưa hát Chắc ai đó sẽ về thôi át cả tiếng ca sĩ đang biểu diễn trên sân khấu. Cô hiệu trưởng sau đó lên báo nói: “Thời buổi công nghệ internet phát triển, trẻ tiểu học sớm được tiếp xúc với những điều mới mẻ, trong đó có âm nhạc. Chỉ cần một giai điệu quen thuộc cất lên, các em sẽ nhún nhảy và hát theo. Giáo viên trong trường không dạy các em hát ca khúc này”. Những bài hit như Bống bống bang bang hay Để Mị nói cho mà nghe cũng dễ dàng làm xiêu lòng các bé tiểu học bởi hình ảnh sinh động, tiết tấu rộn ràng. Lời ca cũng chung chung không đi sâu vào những chuyện người lớn, âm nhạc cũng không có gì cao siêu. Dường như trẻ con có sẵn một bộ lọc riêng. Đầy bài người lớn thích khác đâu lọt tai trẻ em.
Năm ngoái để kỷ niệm tuổi lên mười (chớm teen) của con gái Thái An, ca sĩ Thái Thùy Linh tự viết kịch bản và làm cho con một MV đúng bài hát con thích: Anh nhà ở đâu thế. Mặc dù bài có những câu khá trực diện như: “Anh có thích tôi không/ Tôi từ lâu đã thích anh rồi/ Chỉ mong hai ta thành đôi…”. Sau một năm đăng YouTube MV này thu hút gần 2,5 triệu lượt xem, hot hơn hẳn các MV của chính Thái Thùy Linh.
Nhưng Thái Thùy Linh cũng không “dám” khẳng định bản hit của Amee phù hợp với tuổi trên mười: “Còn tùy hiểu biết của mỗi đứa trẻ. Bài đó vẫn không phải lựa chọn tốt nhất để cho Thái An hát. Nhưng quan điểm của tôi là khi con tôi thích một bài như thế thì cũng không có gì ghê gớm hay ‘tội đồ’ gì cả. Tôi tôn trọng sở thích của con. Không phải cứ bài nào có
anh em là cấm. Ngay từ khi chưa đi học, các con đã làm quen với các câu chuyện có công chúa hoàng tử yêu nhau lấy nhau rồi mà!”.
Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm cũng không tỏ ra lo ngại trước hiện tượng trẻ con thích nhạc người lớn. “Trẻ con thời nào cũng thích nghe nhạc của người lớn, kể cả thời của tôi. Thời đấy chưa có nhạc thương mại nên chúng tôi thuộc rất nhiều bài kháng chiến và rất thích thú với chuyện đó. Những bài đúng tuổi vẫn hát nhưng bao giờ cũng có sở thích ‘ăn lên’”.
Chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế là trẻ con có gu thẩm mỹ riêng, cần được phát huy, tất nhiên với sự hướng dẫn của người lớn. Chính trường tiểu học mời ca sĩ về hát Chắc ai đó sẽ về thôi không biết vô tình hay chủ ý đã thừa nhận sở thích của học sinh. Tất nhiên cần rạch ròi những gì học sinh được phép nghe và những gì được phép thể hiện chính thức trong khuôn khổ nhà trường. Vì các em vẫn còn đang phải đi học nhiều thứ, trong đó bao gồm thẩm mỹ âm nhạc. Nhưng ngoài giờ học, các em đương nhiên có quyền được giải trí.
Từng có nhiều năm làm giám khảo Đồ Rê Mí, Thái Thùy Linh nhận thấy việc lồng các thông điệp giáo dục vào các tác phẩm nghệ thuật cho trẻ là đúng nhưng nhiều quá, lộ quá sẽ phản tác dụng: “Tôi đã tìm hiểu lắng nghe nhiều bạn nhỏ chia sẻ thích nghe bài nước ngoài vì bài đó rất giải trí, dễ hiểu, vui tươi”.
CHỌN LỌC BÀI HÁT NƯỚC NGOÀI
TS Đỗ Minh Chính chủ biên một bộ sách giáo khoa mới, dạy môn Âm nhạc cho bậc tiểu học. Đến nay đã hoàn tất 2 cuốn cho lớp 1 và 2. Chị cho biết, mỗi cuốn chỉ có một bài hát mới. Trong đó có bài cho lớp 1, chính chủ biên phải đặt hàng bạn cùng lớp. Còn lại vẫn là các ca khúc thiếu nhi kinh điển trong và ngoài nước – chẳng hạn Khát vọng mùa xuân của Mozart. Tất nhiên các giai điệu nước ngoài đều được đặt lời Việt. Để được chọn vào sách giáo khoa, các bài hát phải có giai điệu, lời ca tương đối đơn giản để có thể phổ cập từ miền xuôi lên miền ngược. Vì thế càng ít cửa cho những sáng tác mới.
Cho con nghe nhạc tiếng Anh có thể là một giải pháp kép vừa giúp con luyện tiếng vừa làm giàu hành trang âm nhạc. Thái Thùy Linh dùng những từ khóa bằng tiếng Anh như “âm nhạc cho trẻ em” hay “những bài hát vui tươi cho trẻ em” để tìm trên mạng và, tự mình nghe tất cả để chọn lọc cho con. “Họ làm kỹ đến mức những bài hát cho những năm đầu đời của trẻ hầu hết chỉ đệm bằng piano, chứ không phải lập tức phối nhiều nhạc cụ. Cao độ giới hạn trong một quãng tám”, cô nhận xét. Cô cũng không lo ngại nhạc Tây sẽ làm những người Việt nhí mất bản sắc dân tộc: “Bản sắc thể hiện ở nhiều mặt, đâu chỉ âm nhạc. Trong khi âm nhạc chính là ngôn ngữ chung nhất cho toàn cầu”.
Nhạc sĩ Lê Tâm nhấn mạnh cần kiểm soát về nội dung bài hát trước khi cho trẻ nghe, chứ không phải chất liệu: “Trẻ con có thể nghe được các thể loại âm nhạc thịnh hành hiện nay. Duy có điều, cho dù thể loại nào cũng nên nghe có mức độ. Nếu nghe không biết chán một thể loại đấy lại là có vấn đề. Nếu bọn trẻ có thể được cả nhạc Tây, cả nhạc cổ truyền là tốt nhất. Vì như thế đầu óc chúng không có định kiến, không cố chấp. Những đứa nghe lệch, chỉ tôn thờ một một thứ và coi thường những thứ khác, chứng tỏ thẩm mỹ rất dở”.
Anh phát hiện ra có không ít những bài hát cho thiếu nhi tưởng là mới nhưng thực ra là giai điệu dân ca được đặt lời mới. Đó là nhờ công của các nhạc sĩ, nhà sưu tầm văn hóa dân gian như Trần Kiết Tường, Lư Nhất Vũ – Lê Giang… “Ca nhạc cổ truyền thực ra không xa lạ với thiếu nhi. Nhịp điệu trong dân ca các cụ ngày xưa cũng rất rộn ràng chứ không phải như một số định kiến là nhạc của các cụ không có nhịp điệu. Càng dân ca, nhịp điệu càng nét”, Nguyễn Lê Tâm khẳng định.
Rõ ràng chưa bao giờ trẻ em (và cả người lớn) được tiếp cận với đủ loại nhạc như bây giờ. Đó cũng là một điều thuận lợi đồng thời cũng đặt ra một số thách thức để khỏi mất phương hướng trong biển âm nhạc toàn cầu.
MỚI CŨ CÓ QUAN TRỌNG?
Sau nhiều năm đi chấm các giải ca hát thiếu nhi ở trung ương và địa phương, Thái Thùy Linh nhận thấy phải đến trên 95% các tiết mục dự thi là bài cũ đã hát nhiều năm rồi. Và có khoảng 20 bài liên tục quay vòng năm này qua năm khác, dẫn đến tình trạng trong cùng một cuộc thi, thí sinh lớp 1 và lớp 9 đều cùng Đưa cơm cho mẹ đi cày. “Tôi phải can thiệp mạnh vào việc nới tay cho những bạn dũng cảm trình bày những bài hát mới. Không phải thiên vị mà cần có cách cổ vũ để cả thí sinh và nhạc sĩ mạnh dạn và có khí thế sáng tạo”, chị nói.
Sau nhiều thập kỷ, những sáng tác cho thiếu nhi đọng lại thường mang âm hưởng truyền thống. Có thể kể đến Đi học, Hạt gạo làng ta, Em đi trong tươi xanh, Em đi giữa biển vàng, Em là hoa hồng nhỏ… Tất nhiên với các bậc U50 đây sẽ là những bài quá cũ, nhưng với những con người mới đang lớn lên thì ắt hẳn đó là những bài mới. Và các nghệ sĩ hôm nay đương nhiên biết cách làm mới chúng cho phù hợp. “Những bài hát Đoàn, Đội đương nhiên không thay thế được,” nhạc sĩ Trần Nhật Bằng, Trưởng phòng Ca nhạc Thiếu nhi, Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu. “Chỉ là tìm cách thể hiện phù hơp, tinh tế, để người nghe hôm nay dễ đón nhận”.
Tuy nhiên nhu cầu bài hát thiếu nhi mới là có thật. Nguyễn Lê Tâm cho hay hầu như anh viết bài hát mới nào cho thiếu nhi thì đều được dàn dựng, vì phần nhiều trong đó đã được đặt hàng từ trước. Anh thừa nhận mình chưa chủ động viết cho trẻ em: “Viết cho thiếu nhi chắc phải thư thái hơn, đầu tắt mặt tối không viết được. Được cái tôi có sẵn cảm xúc, nếu ai đó cần, đặt hàng là mình khởi động được ngay”.
Nguyễn Lê Tâm “cảm giác” vẫn thiếu người viết cho các em: “Xem những chương trình ca nhạc thiếu nhi hơi thiếu những tác phẩm đặc biệt. Rộn rã tưng bừng thì có, nhưng lưu lại trong trí nhớ của mình thì chưa”. Anh kết luận, phải những nhạc sĩ thực sự yêu thích trẻ con, có khả năng nói chuyện với trẻ con mới có thể viết được những bài hát khiến trẻ con say mê.”
Như vậy chúng ta có thể thấy âm nhạc cho thiếu nhi ở Việt Nam không nghèo, chúng ta luôn có sẵn món ăn tinh thần cho trẻ. Và như tác giả đã nói, có thể những bài hát xưa kia đối với các nhà đánh giá, các nhạc sĩ U50 nó đã là quá cũ, nhưng đối với trẻ đó vẫn là một bài hát mới. Ngoài những nguồn tài liệu đó, chúng ta có thể bổ sung nguồn nghe cho trẻ từ âm nhạc nước ngoài, vì âm nhạc là thứ ngôn ngữ chung toàn cầu, không có sự phân biệt.
Comments