Đã nhiều tháng nay Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội , nơi đây được ví là “thánh đường” dành cho âm nhạc truyền thống mới. Cuối tuần qua, những người có mặt tại đã được thưởng thức một “bữa tiệc” âm nhạc dân tộc với những thanh âm của các tác phẩm cổ nhạc và ca khúc dân gian được biên soạn cho nhạc cụ dân tộc như Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long Hổ; Quê ta, Cung đàn đất nước; Hoa thơm bướm lượn…
Nhà văn Lê Xuân Khoa, đạo diễn chương trình, chia sẻ: “Thanh âm hy vọng gồm phần cổ nhạc là các làn điệu dân ca, âm nhạc cổ truyền như chèo, quan họ, chầu văn, nhã nhạc cung đình Huế… Phần 2 là các tác phẩm được sáng tác hoặc biên soạn cho nhạc cụ dân tộc và biểu diễn các tác phẩm đương đại, trong đó sẽ có những bài nhạc trẻ đang thịnh hành để khán thính giả thấy chất liệu dân gian có thể bắt nhịp với đời sống hôm nay.
Đặc biệt, chương trình do nhóm Hy vọng gồm các nghệ sĩ khiếm thị biểu diễn. Trưởng nhóm Trần Quốc Hoàn cho biết, nhóm tập hợp những nghệ sĩ khiếm thị chuyên về nhạc cụ dân tộc được đào tạo bài bản tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Khác với người bình thường, các em phải học nhạc bằng tất cả sự nỗ lực, do không nhìn được, phải ghi nhận những nốt thanh âm vào đầu. Người thường phải nỗ lực một thì các bạn phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba. May mắn là các bạn được những người thầy thật sự tâm huyết dạy, còn các bạn sẽ lặng lẽ học tập và cố gắng vươn lên.
Mỗi nghệ sĩ đều là tấm gương về nghị lực phi thường trong học tập và cuộc sống. Có những người ở cách xa điểm luyện tập và biểu diễn hàng chục cây số. Có thành viên như nghệ sĩ sáo trúc Nguyễn Văn Linh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt do bị suy thận giai đoạn cuối, phải vào viện chạy thận mỗi tuần 3 lần. Tuy nhiên, anh Linh vẫn cố gắng hết mình để tham gia các buổi biểu diễn trước công chúng, góp phần bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc.
“Để duy trì nhóm là cực kỳ khó khăn và để có được một buổi biểu diễn như hôm nay không đơn giản. Chỉ một số bạn may mắn trong nhóm có được việc làm ổn định, còn hàng ngày mọi người vẫn phải vật lộn kiếm sống. Nhưng họ nghị lực lắm, có cháu đã tự học được tiếng Anh, tiếng Pháp và nói thành thạo”, nghệ sĩ piano – GS Tôn Thất Triêm chia sẻ.
Bởi vậy sẽ không quá lời khi nhà văn Lê Văn Khoa nói rằng, đêm diễn là một hành trình truyền cảm hứng. Người tham gia không chỉ được sống trong bầu không khí đậm chất âm nhạc truyền thống mà còn được lan tỏa năng lượng tích cực từ chính mỗi thành viên trong chương trình, để thấy yêu cuộc sống hơn, trân trọng những gì mình đang có hơn và càng muốn sống cho thật tốt, thật tử tế.
Theo Sài Gòn Online
Комментарии